ĐÁNH GHEN ĐỂ …GIỮ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH ?
- 03/04/2021 05:53 CH
- trinhtrunghoa
- Ngoại tình
- 181 Comments
Ghen tuông là chuyện thời nào cũng có nhưng chưa bao giờ "nở rộ" như hiện nay. Nó tỷ lệ thuận với sự gia tăng của ngoại tình và ly hôn. Đặc biệt trong thời 4.0 những cuộc đánh ghen có thể bị bắt vào ống kính điện thoại của người qua đường và ngay lập tức bay lên mạng đập vào mắt hàng vạn người thật ê chề hổ thẹn.
Tất cả những người đi đánh ghen đều nêu cao khẩu hiệu “Bảo vệ hạnh phúc gia đình" nhưng kết quả là ngược lại. Đòn ghen càng tàn độc, ầm ĩ thì gia đình càng tan nát, thậm chí bản thân phải vào tù, ngồi trong đó làm sao còn hạnh phúc đâu mà giữ ! Hình ảnh hung dữ của họ bị tung lên mạng làm mất hết thể diện, còn dám nhìn ai ? Đánh ghen có thể gây thiệt hại lớn cho kẻ tình địch nhưng bản thân mình cũng phải trả một cái giá quá đắt. Theo thống kê của một Trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội thì 100% các vụ đánh ghen nếu gia đình không tan vỡ, có sống với nhau cũng chẳng ra gì. Những rạn nứt đó không bao giờ hàn gắn được mà trong con mắt thiên hạ họ trở thành những kẻ ngu dốt và dã man. Hóa ra đánh ghen cũng đồng thời đánh vào phẩm giá của chính mình, làm cho người thân cũng xấu hổ lây, nhất là con cái họ. Thậm chí có em bỏ học sau khi cha hay mẹ đánh ghen ầm ĩ, nó bị bạn bè chế giễu không dám đến trường.
Đánh ghen cùng lắm bạn lọai trừ được một kẻ tình địch nhưng sau đó gia đình lủng củng, thù hận nhau, hôn nhân lạnh lẽo, lại tạo kẽ hở cho kẻ thứ ba khác xen vào, chẳng lẽ bạn lại tiếp tục "tiêu diệt" nó ư, hay bạn vào ngồi nhà đá ?
Chẳng ai chưa một lần ghen trong đời. Dù bạn có muốn nói "không" với ghen cũng không được mặc dầu rất nhiều nói :”Tôi không bao giờ ghen”. Thật ra ở đâu có tình yêu ở đó có ghen. Nó là hai người bạn đồng hành đi liền với nhau như hình với bóng. Vì tình yêu là thứ tình cảm độc chiếm, không chia sẻ. Tuy nhiên theo nhà phân tâm học Sigmund Freud thì ghen không chỉ là tiêu cực mà cũng có mặt tích cực của nó. Ghen có thể là tốt cho tình yêu, nếu mức độ chấp nhận được. Nó còn khiến người ta cảm thấy hãnh diện khi được người yêu ghen một chút. Và khi bạn bắt gặp một kẻ nào đó theo đuổi người yêu của mình, có thể sự ham muốn lại tăng lên trong mối quan hệ của bạn. Ghen nhiều khi trở thành động lực làm cho ta phải cố gắng để ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Những người đi đánh ghen không phải vì họ yêu quá. Nếu thực sự yêu ai không bao giờ ta nỡ làm mất thể diện người mình yêu. Thực ra người đi đánh ghen là người quan niệm người yêu là vật sở hữu, giống như một thứ tài sản của họ. Kẻ nào mon men đến họ "tiêu diệt" kẻ đó. Nhưng đồng thời họ cũng làm tan nát luôn gia đình của họ.
Cô giáo Liên 34 tuổi kể : Tối hôm trước, trong khi chồng tắm, thấy điện thoại của anh ấy báo có tin nhắn, tôi tiện tay cầm lên xem "10h sáng mai em đến nhá". Chồng tôi chỉ nhắn lại OK. Sáng hôm sau đang họp đến gần 10 giờ tôi thấy nóng ruột quá, bèn kêu đau bụng xin phép về sớm. Gần đến nhà tôi gửi xe đầu ngõ đi bộ về. Bằng chìa khóa riêng tôi nhẹ nhàng mở khóa không một tiếng động.Tôi nhón chân ghé mắt qua khe cửa, hoa mắt khi thấy chồng và nhân tình đang ôm nhau ngay phòng khách. Phản xạ đầu tiên của tôi là muốn xuống bếp lấy con dao nhọn nhảy vào đâm cho mỗi đứa một nhát. Nhưng tôi lại nghĩ sau đó chắc chắn mình đi tù thì con cái ai nuôi?
Hay là xông vào cho nó mấy cái tát nảy lửa và chửi bới ầm lên cho nó mất mặt. Nhưng lại nghĩ hàng xóm sẽ kéo đến đầy sân. Họ không chỉ xem mặt kẻ ngoại tình mà cũng xem luôn cả cái mặt tái dại của người đánh ghen thì có lẽ hai đứa con sẽ bỏ học không dám đến trường. Bản thân mình là cô giáo cũng hổ thẹn với học sinh và phụ huynh.
Tôi đứng đờ ra mấy phút rồi lại lặng lẽ đi ra. Tối hôm ấy đợi các con đi ngủ, tôi gọi chồng ra nói chuyện. Khi tôi tả lại toàn bộ sự việc, anh ấy không tin, còn cười nhạt: "Làm gì có chuyện đó". Đến khi tôi kể lại mình chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra sáng nay thì mặt chồng tôi tái đi.
Tôi chìa lá đơn ly hôn viết sẵn bảo anh ký thì bất ngờ anh ấy quỳ xuống trước mặt tôi nói lời xin lỗi. Một lúc sau anh nói nhỏ :"Ơn này anh nhớ suốt đời. Nếu hôm nay em làm ầm lên chắc anh cũng đến bán xới khỏi đất này, không còn mặt mũi nào sống ở đây nữa. Anh xin thề trước vong linh cha mẹ từ nay không bao giờ như vậy nữa". Có muôn vàn lời nói sỉ nhục, trách cứ chạy như ngựa trong đầu tôi, nhưng tôi kìm lại được.
Sau đó cho dù tôi vẫn giận nhưng anh ấy đã giữ được lời thề. Từ đó đến nay đã hơn ba năm, ngoài hai vợ chồng, không ai biết chuyện này. Giờ đây mỗi khi nhìn chồng chơi đùa với các con hoặc khi đau ốm được anh ấy cặm cụi sắc thuốc, chăm sóc tận tình, tôi lại nghĩ thật may khi ngày đó mình kìm được cơn ghen khủng khiếp.
Nếu chồng hay vợ ngoại tình "kinh niên" hết vụ này đến vụ khác, cuộc sống không thể hạnh phúc mà khổ đau luôn thường trực thì lần bắt được quả tang này có thể là giọt nước tràn ly, cơ hội để bạn làm đơn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Nhưng nếu tình yêu trong bạn vẫn còn, các con bạn cũng vẫn yêu quý người cha, người mẹ đó thì đánh ghen khác nào "đập chuột vỡ bình" sau đó không thể hàn gắn được, gia đình tan vỡ ngoài mong muốn của mình. Các bậc cha mẹ cao tuổi nhiều kinh nghiệm cần phải có tầm nhìn xa hơn con cái còn trẻ người non dạ, phải giúp con nhận ra đó là hành vi phạm pháp, chứ dâu phải bảo vệ gia đình ? Trái lại đẩy đến tan vỡ hay tù tội một cách vô cùng đáng tiếc, ân hận thì đã muộn.
Kinh nghiệm cho thấy chỉ có tình cảm mới chiến thắng được tình cảm, không bao giờ dùng bạo lực giữ được tình yêu. Con thuyền gia đình không phải khi nào cũng đi trên sông bằng biển lặng, có lúc phải vượt qua ghềnh thác, tất cả trông vào tay lái vững vàng của bạn. Chỉ một phút nông nổi quá giận mất khôn là bạn có thể đánh đắm cả con thuyền gia đình, gây ra thảm họa cho chính mình và nhiều người khác, nhất là con cái bạn. Theo dõi, phục kích, gài bẫy, rủ thêm người rồi cậy đông xông vào đánh một người thì “anh hùng” ư hay tài giỏi gì nhưng khôn khéo để giữ được hạnh phúc gia đình mới khó. Không ai dự liệu trước được điều này, phần nhiều thường bị bất ngờ nên mất hết bình tĩnh và làm những điều dại dột. Cho nên bạn đừng lẳng lặng lên kế hoạch một mình vì lúc này bạn không còn sáng suốt suy trước tính sau nữa. Hãy chia sẻ với những người bạn tốt, họ khách quan nên bình tĩnh và khôn ngoan hơn bạn. Nếu tìm đến chuyên gia tâm lý nhiều kinh nghiệm càng tốt. Nhất định bạn sẽ nghĩ ra giải pháp hay hơn để không phải ân hận suốt đời.
Tôi có người bạn dạy đại học. Giờ giải lao giữa hai tiết học có người đòi anh quyển sách, anh chạy về khu tập thể trong trường lấy sách giả bạn. Không ngờ vừa mở khóa đẩy cửa bước vào nhà bắt gặp vợ và gã hàng xóm đang quần thảo trên ghế đi-văng ngoài phòng khách. Anh đứng sững người lặng đi bất động trong khi hai kẻ kia cuống cuồng quỳ xuống xin tha thứ. Sau mấy giây chết lặng anh bước đến giá sách lấy quyển sách rồi khép cửa lại đi lên lớp. Hôm sau anh đưa đơn ly hôn cho vợ ký và đem nộp ra tòa.
Khi tòa hỏi lý do ly hôn, anh trả lời :”Chúng tôi không hợp nhau”. Tôi thân với anh nên biết chuyện hỏi anh học đâu cách xử lý này? Anh bảo học ở Pháp khi làm nghiên cứu sinh ở đó mấy năm. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh nói thêm:”Các nước văn minh họ làm thế cả. Chẳng ai nhảy vào đâm chém rồi đi tù như ở bên mình”. Mấy năm sau anh cưới người vợ mới rất đáng yêu.
Trịnh Trung Hòa